ASEAN có thể trở thành khu vực dẫn đầu về năng lượng mặt trời thông qua hợp tác khu vực

CHIA SẺ BÀI VIẾT:

Tác giả bài viết: Ông Fabby Tumiwa – Tổng giám đốc Viện Cải cách Dịch vụ Thiết yếu (IESR), một tổ chức tư vấn năng lượng của Indonesia và Chủ tịch hiệp hội năng lượng mặt trời Indonesia, Bà Marlistya Citraningrum, là quản lý chương trình tiếp cận năng lượng bền vững tại IESR và giám đốc điều hành của cổng thông tin Solar Hub.

Với việc các quốc gia đang trong cuộc đua giảm phát thải bằng cách tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo đã làm cho địa chính trị năng lượng chuyển hướng về các quốc gia và khu vực có lợi thế cạnh tranh trong ngành công nghệ năng lượng sạch.

Sự thống trị của Trung Quốc trong các công nghệ sạch đã thúc đẩy Hoa Kỳ áp dụng luật mới khuyến khích sản xuất trong nước, quan trọng nhất là Đạo luật Giảm Lạm phát, sẽ chuyển 400 tỷ đô la Mỹ đầu tư vào năng lượng sạch, ưu tiên cho doanh nghiệp sử dụng linh kiện sản xuất trong nước.

Chính sách bảo hộ này đã gây ra quan ngại ở nhiều quốc gia. EU hiện đang phát triển một gói tương tự.

Vậy xu hướng này có ý nghĩa như thế nào với Đông Nam Á, một khu vực gồm các nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh chóng và cam kết thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc giải quyết biến đổi khí hậu?

Theo sau thành công của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia năm ngoái, Jakarta đã chọn chủ đề “Tâm điểm của tăng trưởng” làm chủ đề cho Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của nước này, tập trung vào việc củng cố khu vực trở thành nơi kinh tế phát triển nhanh, bao quát và bền vững, đặc biệt về cơ sở hạ tầng y tế, an ninh lương thực và năng lượng, và ổn định tài chính.

ASEAN vẫn chưa đạt được vị thế dẫn đầu về năng lượng sạch, nhưng đã có những tiến bộ đáng chú ý về cam kết và thực hiện các mục tiêu.

Năng lượng mặt trời đã trở thành chính sách chính thức ở hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN. Là nước đi đầu, Việt Nam đã tăng thêm gần 20 GW công suất năng lượng mặt trời chỉ trong bốn năm với sự giúp đỡ của chính sách ưu đãi, đảm bảo cho các nhà sản xuất điện. Thái Lan đứng thứ hai với 3 GW năng lượng mặt trời, trong khi Indonesia đang chững lại, với ít hơn 1 GW. Việt Nam cũng đã có những tiến bộ đáng kể với năng lượng gió.

Hiện tại, hằng năm Đông Nam Á có thể sản xuất 69 GW từ module mặt trời và linh kiện để làm chúng, theo McKinsey & Co. Thái Lan, Việt Nam và Malaysia chiếm khoảng 10% sản lượng module và pin mặt trời toàn cầu.

Đáng chú ý là phần lớn sản lượng linh kiện này được kiểm soát bởi các công ty Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á vẫn thiếu khả năng sản xuất polysilicon hoặc wafer và phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, khoảng cách về công suất đang thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư toàn cầu.

SEG Solar có trụ sở tại California gần đây đã ký một thỏa thuận với Jiangsu Meike Solar Technology của Trung Quốc, một nhà sản xuất wafer silicon hàng đầu, để xây dựng một cơ sở sản xuất pin mặt trời ở Đông Nam Á. Bộ Đầu tư Indonesia cho biết vào tháng 6, SEG Solar cũng sẽ hợp tác với công ty ATW Solar Indonesia để xây dựng một nhà máy pin mặt trời và module trị giá 500 triệu đô la ở Trung Java, đây sẽ là nhà máy đầu tiên sản xuất linh kiện này trong nước.

Con số đạt được của ASEAN từ hợp tác trong khu vực trong lĩnh vực này không thực sự ấn tượng.

Kế hoạch một lưới điện xuyên ASEAN đã có từ những năm 1990 nhưng cho đến nay chỉ có một lượng năng lượng rất nhỏ được trao đổi và dự đoán việc giao dịch năng lượng sẽ còn tiến triển chậm hơn nữa.

Trong khi đó, kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng đã bị chỉ trích là “sự tổng hợp của các kế hoạch năng lượng cấp quốc gia” hơn là một chiến lược khu vực thực sự. Cũng cần lưu ý rằng Malaysia và Indonesia đều đã cấm xuất khẩu điện năng tái tạo sang nước láng giềng Singapore vào năm 2021 và 2022, cho thấy sự ưu tiên an ninh năng lượng quốc gia hơn là lợi ích của khối.

Dây chuyền sản xuất các bộ phận của pin mặt trời tại một nhà máy ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào năm 2019: Nhu cầu về module PV mặt trời dự kiến sẽ tăng nhanh chóng ở Đông Nam Á. (Nhật báo Chiết Giang qua Reuters)

Tuy nhiên, dòng chảy năng lượng có thể đang chuyển hướng theo cách tiếp cận hơn với khu vực. Vào tháng 3 năm 2023, Singapore và Indonesia đã ký một hiệp định tập trung vào hợp tác công nghiệp năng lượng xanh. Bao gồm kế hoạch xây dựng một trang trại năng lượng mặt trời nổi công suất lớn tại quần đảo Riau của Indonesia gần Singapore, cũng như các nhà máy pin và module mặt trời. Singapore cũng đã đảm bảo một thỏa thuận thương mại năng lượng sạch với Campuchia.

Sẽ cần nhiều hơn nữa những hợp tác như trên để tăng cường vị thế dẫn đầu về năng lượng mặt trời của ASEAN, bao gồm trao đổi công nghệ, tạo điều kiện đầu tư và hợp tác để mở rộng xuất khẩu sang các quốc gia và khu vực khác.

Mọi quốc gia thành viên ASEAN đều đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 hoặc 2060. Sản xuất năng lượng mặt trời đang bắt đầu phát triển và các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách đầu tư vào các dự án trong khu vực.

Nhưng cần nhiều hơn những nỗ lực phối hợp từ các nước trong khu vực để đưa hệ thống điện của ASEAN tiến lên, hướng tới kết nối lưới điện vững chắc giữa các quốc gia thành viên và quan trọng tăng khả năng tích trữ điện năng.

Nhu cầu về module quang điện (PV) mặt trời dự kiến sẽ tăng nhanh chóng Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế ước tính rằng Đông Nam Á sẽ cần lắp đặt 240 GW năng lượng mặt trời vào năm 2030; hiện tại khu vực đã có khoảng 24 GW công suất năng lượng mặt trời.

Để đảm bảo nguồn cung pin năng lượng mặt trời và module PV, các quốc gia Đông Nam Á nên cùng nhau hợp tác để biến khu vực thành một trung tâm sản xuất. Indonesia và Malaysia có thể cung cấp silicon cấp luyện kim cần thiết để sản xuất wafer silicon và ingot; pin và module có thể được sản xuất ở bất cứ đâu trong khu vực, dựa trên lợi thế của các ngành công nghiệp hiện có của mỗi quốc gia.

Các bộ trưởng năng lượng ASEAN dự kiến sẽ gặp nhau trong tuần này tại Bali. Sự kiện quan trọng này cho thấy việc tìm kiếm được sự đồng thuận để thúc đẩy hợp tác khu vực, đồng thời lên kế hoạch thực hiện. Indonesia cần đảm nhiệm vị trí chủ tịch và hỗ trợ kịp thời cho quá trình chuyển đổi năng lượng của khu vực, để việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có thể thực thi.

Nguồn: https://asia.nikkei.com/Opinion/ASEAN-can-be-a-power-in-solar-energy-with-teamwork

TIN THỊ TRƯỜNG