Việt Nam giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0

CHIA SẺ BÀI VIẾT:

Tại hội nghị khí hậu COP26 năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã bất ngờ công bố mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời cũng đã ký Tuyên bố chuyển đổi điện từ than sang điện sạch toàn cầu, trong đó cam kết tăng nhanh quy mô năng lượng tái tạo và xây dựng không thêm nhiều nhà máy điện than mới.

Đây là một bước ngoặt lớn và bất ngờ đối với Việt Nam. Nước này đã đầu tư rất nhiều vào điện than trong thập kỷ qua và có công suất lắp đặt điện than nhiều nhất trong số các nước Mekong, sau Trung Quốc. Chỉ hai tháng trước COP26, chính phủ đã công bố dự thảo Quy hoạch điện VIII (PDP8) bao gồm giai đoạn 2021–2030 và chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài vào năng lượng không tái tạo. Kế hoạch PDP8 sẽ tăng gấp đôi công suất điện than vào năm 2030, và nhiều dự án mới trong 5 năm sau đó.

Sau tuyên bố tại COP26, chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi PDP8, mặc dù bản dự thảo cập nhật vẫn chưa được công bố.

Đến năm 2020, số lượng nhà máy điện than của Việt Nam đã tạo ra mức năng lượng bằng tất cả các nguồn điện khác cộng lại. Trong năm, lĩnh vực này đã thải ra khoảng 126 triệu tấn CO2, tương đương khoảng một nửa lượng khí thải của Việt Nam. Lượng khí thải của quốc gia này đã tăng lên trong những năm gần đây, trong khi lượng khí thải của các nước láng giềng hầu như không thay đổi hoặc giảm.

Khoảng năm 2010, Việt Nam đã ngừng xây dựng các đập thuỷ điện lớn, thay vào đó là sử dụng điện than, khi công bố Quy hoạch điện VII (PDP7) cho giai đoạn 2011–2020. Ông Trần Đình Sinh, chuyên gia tư vấn kỹ thuật của GreenID, một tổ chức phi chính phủ về môi trường Việt Nam cho biết: “Bộ Công Thương đánh giá rằng tiềm năng thủy điện đã được khai thác hết, vì vậy họ chuyển trọng tâm sang than. Dự thảo mới nhất (tháng 9 năm 2021) của PDP8 cũng cho thấy 51 gigawatt (GW) dự án điện than vào năm 2030, vì vậy PDP8 là sự tiếp nối của PDP7. Nhưng [Bộ] không giải thích lý do tại sao họ làm điều này.”

Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017 bởi Friedrich Ebert Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận của Đức, đã phát hiện ra rằng xung đột lợi ích được thể chế hóa là rào cản đối với việc Việt Nam chuyển đổi từ than sang các nguồn carbon thấp, theo nhận xét của Eyler. “Thật khó để thuyết phục các công ty xây dựng nhà máy than không tiếp tục triển khai. Họ có rất nhiều quyền lực và các nhóm lợi ích đặc biệt”, ông giải thích và nói thêm rằng việc cân bằng lợi ích trong quá trình sửa đổi PDP giống như một trận đấu quyền anh. “Một ngày những người này nới lỏng, và ngày hôm sau họ đang chiến đấu hết mình. Nó chỉ là qua lại, tới lui.”

Đầu tư cạn kiệt

Dữ liệu từ Global Energy Monitor cho thấy kể từ năm 2010, ngành than của Việt Nam đã nhận được ít nhất 29 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Bộ phận theo dõi cơ sở hạ tầng sông Mekong của Trung tâm Stimson kể câu chuyện tương tự về việc phụ thuộc vào ngân sách nước ngoài để xây dựng các nhà máy than: cứ 100 MW công suất than đang hoạt động hiện nay thì 93 MW được xây dựng với số vốn đầu tư nước ngoài. “Than là cách rẻ nhất và nhanh nhất để đáp ứng nhu cầu điện của Việt Nam”. James Browning, giám đốc truyền thông của Global Energy Monitor cho biết.

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc từng là các nhà đầu tư chính trong lĩnh vực than của Việt Nam nhưng hiện đã lùi bước. Ngay cả trước thông báo của Việt Nam tại COP26, các câu hỏi đã được đặt ra về việc PDP8 sẽ được tài trợ như thế nào. Theo dự thảo tháng 9, Việt Nam sẽ cần khoảng 44 tỷ đô la Mỹ để phát triển dự án điện than trong 10 năm tới, hoặc nhiều hơn khoảng 50% so với tất cả các nguồn vốn nước ngoài đã đổ vào lĩnh vực này trong thập kỷ qua – một mức tăng dường như khó xảy ra trong bối cảnh mới của tài chính ngành điện than.

Do đó, người ta nghi ngờ về tính khả thi của các dự báo của PDP. Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố vào tháng 9 năm ngoái rằng Trung Quốc sẽ ngừng xây dựng các dự án than mới ở nước ngoài, Viện Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính đã công bố một bản tóm tắt. Nó kết luận rằng, trong bối cảnh các chính phủ và ngân hàng châu Á và Bắc Mỹ từ chối tài trợ cho điện than, trong số 30 GW điện than bổ sung được lên kế hoạch trong PDP8, chỉ một phần ba là khả thi. Điều này bao gồm các dự án đã được xây dựng hoặc đã được bảo đảm tài trợ.

Chi phí con người và phản ứng dữ dội

Nghiên cứu công bố năm 2017 về gánh nặng bệnh tật phát sinh từ điện than ở Đông Nam Á ước tính rằng nếu tất cả các nhà máy than trong QHĐ7 được xây dựng vào năm 2030, thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với gần 20.000 ca tử vong trong năm đó do ô nhiễm không khí.

Đốt than thải ra tro bay, có nhiều ở dạng hạt nhỏ. Khi hít phải, những chất này có thể dẫn đến bệnh tim, ung thư phổi và cổ họng và các bệnh về đường hô hấp.

Tuy nhiên, số liệu còn hạn chế về mức độ gây thiệt hại của các nhà máy than của Việt Nam đối với các cộng đồng xung quanh. Trong nỗ lực lấp đầy khoảng trống này, Nguyễn Trọng An, bác sĩ nhi khoa tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Y tế (CHERAD) ở Hà Nội, đã cùng một nhóm đến xã Vinh Tân, bờ biển phía đông nam của đất nước vào tháng 3 năm 2021. Khu vực này là có đến ba nhà máy điện than đang hoạt động, với một nhà máy khác đang xây dựng.

Nhóm nghiên cứu muốn thu thập thông tin từ sổ nhật ký y tế tại các trạm y tế địa phương ở Vĩnh Tân và xã Phước Thể lân cận. Tại Vĩnh Tân, cơ quan chức năng không cung cấp hồ sơ gốc, cho rằng chủ sổ đi vắng; Ông An cho biết nhóm dự định sẽ quay lại trong năm nay để điều tra thêm. Tại Phước Thể, ông khẳng định từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ tử vong do ung thư và đột quỵ cao hơn dự kiến. Trước khi các nhà máy than được xây dựng vào năm 2010, cứ 100 người chết thì có 33 người là do các bệnh không lây nhiễm như ung thư và tim. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên 70 trên 100.

Có thể thấy mối tương quan, nhưng ông An cho rằng chúng có thể không phải là nguyên nhân duy nhất khiến tỷ lệ tử vong cao hơn và những phát hiện này sẽ cần được chứng thực với các nghiên cứu sâu hơn trong năm nay.

Bất chấp việc thiếu dữ liệu thực địa về tác động có hại của nhiên liệu đối với sức khỏe ở Việt Nam, một số người dân đã phản đối các nhà máy than. Trong số 54 dự án điện than mà Global Energy Monitor theo dõi trong nước, tám dự án đã được ghi nhận phản đối. Người dân tại khu vực lân cận nhà máy điện Duyên Hải phàn nàn rằng việc di dời cồn cát để xây cảng than đã làm tăng tỷ lệ ngập lụt, sạt lở đất và xói mòn đất. Trong khi đó, việc xả nước nóng của nhà máy điện Quảng Ninh đã khiến tôm cá chết hàng loạt, hủy hoại sinh kế của hàng trăm gia đình.

Thích ứng với sự thay đổi toàn cầu

Vào cuối tháng 11, Bộ Công Thương cho biết đến năm 2045, các nguồn năng lượng sạch hơn bao gồm khí đốt, năng lượng mặt trời và gió sẽ chiếm khoảng 75% tổng công suất phát điện đã lắp đặt của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không coi khí đốt là “năng lượng sạch”. Browning chỉ ra rằng, trong ngắn hạn, lượng khí mê-tan dồi dào thải ra trong quá trình khai thác và đốt cháy khí gây ảnh hưởng hơn 80 lần so với CO2 trong việc gây ấm lên toàn cầu. Global Energy Monitor công bố một báo cáo vào tháng 10 năm 2021 nói rằng nếu tất cả cơ sở khí đốt ở châu Á được xây dựng theo kế hoạch thì mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C khó có thể đạt được.

Tiềm năng của ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam đang bùng nổ. Dự thảo PDP8 dự đoán rằng vào năm 2030 cả nước sẽ cần 92 GW điện. Để đáp ứng nhu cầu đó, quốc gia này phải tăng cơ cấu năng lượng thêm 18 GW trong 9 năm, hay 2 GW mỗi năm. Năm 2020, riêng điện gió đã tăng 4 GW và năm 2019, công suất mặt trời tăng 16 GW.

Ông Eyler cho biết: “Việt Nam có thể thực hiện chuyển đổi khỏi các nhà máy than như dự báo trước đây. Cơ hội lớn nhất nằm ở điện gió ngoài khơi. Chúng ta có thể thấy sự bùng nổ về điện gió tương tự như chúng ta đã thấy ở năng lượng mặt trời trong hai năm qua. “

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ cam kết của Trung Quốc [ngừng các dự án than ở nước ngoài] sẽ tạo ra kết quả và điều đó có thể thay đổi cách nghĩ của các nhóm [điện than] về tương lai. Bởi vì chúng tôi đã thấy, giống như ở Mỹ, các công ty dầu khí lớn, họ đang xây dựng năng lượng mặt trời. Họ có thể tạo ra sự chuyển đổi”.

TIN THỊ TRƯỜNG