COP26 và tương lai cho Năng lượng sạch

CHIA SẺ BÀI VIẾT:

Hội nghị thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã diễn ra với những cam kết mạnh trong chống biến đổi khí hậu. Những tiếng nói lạc quan từ hội nghị về việc tiến gần hơn mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ tham vọng đặt ra. 

Một trong những thông báo quan trọng tại Hội nghị COP 26 đó là cam kết của lãnh đạo các nước về phát thải ròng bằng 0, trong đó Thái Lan, Nepal, Nigeria và Việt Nam cam kết đưa ra mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngày 1-11, trong bài phát biểu tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: “Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26

Tiếp sau tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam cũng đã chính thức cam kết từ bỏ nhiệt điện than. Ngày 4-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện lãnh đạo hơn 40 quốc gia khác đã ký vào “Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch”.

Giám đốc điều hành quốc tế của tổ chức Greenpeace (Hòa bình Xanh), bà Jennifer Morgan, cho rằng việc hiệp ước có nhắc tới than đá là một thắng lợi của hội nghị năm nay. Bà nói: “Đã có tín hiệu phát đi rằng kỷ nguyên than đá đang chấm dứt. Đó là điều quan trọng”.

Theo Chủ tịch COP 26 Alok Sharma, thời điểm kết thúc của than đá không còn xa: “Tôi tin rằng chúng ta đang tiến gần đến một giai đoạn mà việc phụ thuộc vào than đá để phát triển sẽ đi vào dĩ vàng. Một tương lai tươi sáng hơn đang ở gần hơn bao giờ hết, một tương lai của không khí sạch hơn, điện năng rẻ hơn và những việc làm Xanh”.

Năng lượng sạch và tái tạo sẽ là nguồn thay thế cho năng lượng không tái tạo trong tương lai

Mặc dù có những nhận định khó khăn trước thềm Hội nghị COP 26, đã có những tiếng nói lạc quan về việc thế giới có thể tiến gần tới mục tiêu tham vọng đặt ra về chống biến đổi khí hậu.

Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Biro cho rằng với việc thực hiện tất cả các cam kết đưa ra tại hội nghị cho đến nay, thế giới có thể giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,8 độ C. Mặc dù chưa đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 1,5 độ C, nhưng điều này cho thấy các nước đang tiến gần đến mục tiêu hơn. Theo tính toán, khí thải cần giảm khoảng 45% tới năm 2030 thì thế giới mới có thể kiềm chế nhiệt độ Trái đất chỉ tăng tối đa 1,5 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Sau những căng thẳng và thay đổi vào phút chót, đại diện 197 quốc gia cuối cùng đã ký Hiệp ước Khí hậu Glasgow tại hội nghị COP26 diễn ra tại Scotland (Anh). Chúng ta cùng hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn từ hiệp ước này.

TIN THỊ TRƯỜNG