Xu hướng phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam

CHIA SẺ BÀI VIẾT:

Khi các vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm với các bộ tiêu chí ngày càng hoàn thiện, việc đạt được các chứng chỉ xanh sẽ giúp doanh nghiệp chiếm ưu thế trên thị trường, đồng thời góp phần giảm chi phí trong dài hạn. Trong đó, năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng

Giới chuyên gia nhận định, công nghệ xanh là một trong những giải pháp hàng đầu trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là một lĩnh vực đầy triển vọng phát triển trong tương lai khi không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn là lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cùng với sự tham gia của các bộ liên quan bao gồm Bộ Xây dựng đặt ra mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng hàng năm xuống 2,5 – 3% (trên mỗi GDP) đến năm 2020 và giảm khí thải GHG xuống 2 – 3% từ năm 2020 – 2030 thông qua Chiến lược Tăng trưởng Xanh.

Tại Việt Nam, lĩnh vực nhà máy chiếm số lượng lớn trong danh sách các dự án đạt chứng nhận công trình xanh. Lý do đằng sau việc phân khúc này chiếm ưu thế thị trường liên quan đến sức mạnh của các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực xanh. Các tập đoàn đa quốc gia đang chỉ đạo hoạt động áp dụng công trình xanh ở Việt Nam, trong đó các trụ sở này được đặt tại các nước có luật môi trường nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, các tập đoàn này cũng ưu tiên việc lựa chọn các đối tác sản xuất, gia công có chứng nhận công trình xanh.

Chứng nhận Công trình Xanh là một công cụ xác định quá trình tác động môi trường của các công trình và nhà máy, với mục tiêu kiểm soát, giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo chúng không vượt quá giới hạn bền vững.

Chứng nhận công trình Xanh được xem là động lực cho các chiến lược phát triển bền vững ở mọi cấp độ: từ thiết kế cơ sở đến quản lý vận hành; từ nguyên liệu thô đến sản xuất sản phẩm cuối cùng và tất cả các quá trình trung gian. Chứng nhận công trình Xanh giúp đảm bảo rằng một nhà máy đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường cơ bản như quản lý chất thải, hiệu quả năng lượng, kiểm soát chất lượng không khí, thực hành tiết kiệm nước,…

Công trình Xanh Việt Nam 2020 (Nguồn: VGBC)

Nhiều chương trình chứng nhận công trình Xanh đã được phát triển để giải quyết các vấn đề cụ thể của các quốc gia khác nhau. Hai trong số các chương trình chứng nhận công trình Xanh toàn diện và phổ biến nhất tại Việt Nam là LEED do Hội đồng công trình Xanh Hòa Kỳ (USGBC) chứng nhận và LOTUS do Hội đồng công trình Xanh Việt Nam (VGBC) phát triển.

  • Chứng nhận LEED được phát triển bởi Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ từ năm 1998 khiến LEED trở thành một trong những chương trình chứng nhận công trình xanh lâu đời nhất hiện nay.
  • Chứng nhận LOTUS được phát triển bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam và áp dụng từ năm 2010.

Cả hai chương trình này đều được quốc tế công nhận thuộc nhóm những chứng chỉ công trình Xanh khắt khe nhất hiện nay về các tiêu chuẩn bền vững cũng như thực hành trách nhiệm xã hội.

Ngoài ra, còn có một số tiêu chuẩn khác ít phổ biến tại nước ta như: GREEAM (Anh), Green Star (Úc), GBI (Malaysia), CASBEE (Nhật), HQE (Pháp), Green Mark (Singapore)… cũng được dùng để đáng giá công trình xây dựng xanh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra Việt Nam có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo – năng lượng xanh. Cụ thể, bức xạ mặt trời chiếm khoảng 2.000 – 5.000 giờ/năm đem lại nguồn năng lượng với tiềm năng tương đương 43,9 tỷ TOE (tấn dầu quy đổi).

Hơn thế nữa, với việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại chỗ, doanh nghiệp không chỉ đạt nhiều điểm xanh hơn, mà còn giúp giảm đáng kể chi phí tiền điện và chi phí làm mát. Ước tính, với mỗi dự án điện mặt trời áp mái 1MWp, doanh nghiệp có thể tiết kiệm đến > 4.7 triệu USD trong suốt vòng đời dự án (30 năm).

Do đó, theo đuổi công nghệ xanh không chỉ vì mục đích môi trường mà còn nhắm tới một lĩnh vực có khả năng tạo sinh khí mới cho nền kinh tế.

TIN THỊ TRƯỜNG